Binh lực và kế hoạch Trận_phản_công_Soltsy

Quân đội Liên Xô

Lực lượng chủ công của quân đội Liên Xô tham gia trận phản công tại Soltsy là Tập đoàn quân 11 do thiếu tướng V. I. Morozov chỉ huy. Trong đội hình có:

  • Quân đoàn cơ giới 1 của thiếu tướng P. L. Romanenko, thành phần gồm có:
    • Sư đoàn xe tăng 3 chỉ còn lại 2 xe tăng KV-1, 4 xe tăng T-28 và 16 xe tăng BT-7
    • Sư đoàn cơ giới 202 (chuyển giao từ NKVD)
  • Quân đoàn cơ giới 12 do thiếu tướng I. T. Korovnikov chỉ huy, gồm Sư đoàn xe tăng 23, Sư đoàn xe tăng 28 và Trung đoàn mô tô cơ giới 10. Vũ khí còn lại có 68 xe tăng hạng nhẹ T-26.
  • Quân đoàn bộ binh 16 do thiếu tướng A. S. Ksenofontov chỉ huy, gồm Sư đoàn bộ binh 180, Sư đoàn bộ binh 183 và phần còn lại của Sư đoàn bộ binh 182.
  • Quân đoàn bộ binh 41 do thiếu tướng A. N. Astanin chỉ huy, gồm các sư đoàn bộ binh 90, 111, 118 và 235.

Trong quá trình diễn ra chiến dịch, Tập đoàn quân 11 được tăng viện Sư đoàn xe tăng 21 rút từ Quân đoàn cơ giới 10 và các sư đoàn bộ binh 70, 237.

Ngày 9 tháng 7, STAVKA ra mệnh lệnh số 00260 yêu cầu Phương diện quân Bắc tập trung binh lực giáng một đòn phản công vào bên sườn Quân đoàn cơ giới 56 (Đức) đang tấn công dọc sông Shelon lên Shimsk. Nếu quân Đức chiếm được Shimsk, mặt trận Liên Xô trên hướng này sẽ bị chia cắt bởi hồ Ilmen và các khu vực phòng thủ tại Staraya Russa cũng như Novgorod sẽ bị uy hiếp. Chấp hành lệnh này, trung tướng P. P. Sobennikov, chỉ huy cụm quân Tây Bắc giao nhiệm vụ này cho Tập đoàn quân 11, đơn vị đang đóng đối diện với Quân đoàn cơ giới 56 (Đức) làm chủ công mở chiến dịch phản công. Ngày 10 tháng 7, STAVKA thành lập 3 bộ tổng tư lệnh trên các hướng Tây Bắc, Bắc và Tây Nam. Nguyên soái K. E. Voroshilov được chỉ định là Tổng tư lệnh hướng Tây Bắc. Ngày 10 tháng 7, K. E. Voroshilov đến mặt trận và thị sát Tập đoàn quân 11 và bổ khuyết những thiếu sót trong kế hoạch của tướng P. P. Sobennikov. Hai cụm pháo binh chiến dịch được thành lập. Trên hướng sông Mtaga là Cụm trung đoàn pháo binh hỗn hợp 68 gồm 1 Tiểu đoàn 1 lựu pháo của Trung đoàn 221, tiểu đoàn 3 pháo nòng dài của Trung đoàn 227 và 1 tiểu đoàn súng cối hạng nặng. Trên hướng sông Shelon là Cụm trung đoàn pháo binh hỗn hợp 252 gồm Tiểu đoàn 2 lựu pháo của Trung đoàn 221, Tiểu đoàn 1 pháo nòng dài của Trung đoàn 227 và Trung đoàn pháo chống tăng. Ngày phản công được ấn định vào 14 tháng 7.[4]

Quân đội Đức Quốc xã

Sau khi đoạt được phòng tuyến Pskov - Ostrov - Opochka, Cụm tập đoàn quân "Bắc" (Đức) đã điều đến khu vực này bộ phận chủ lực của nó để mở trận công kích quyết định trên hướng Leningrad:

  • Tập đoàn quân xe tăng 4 do thượng tướng Erich Hoepner chỉ huy. Thành phần bao gồm:
    • Quân đoàn xe tăng 41 do tướng Georg-Hans Reinhardt chỉ huy, trong đội hình có:
      • Sư đoàn xe tăng 1 của tướng Friedrich Kirchner (đến ngày 16 tháng 7 do bị thương) và tướng Walter Krüger gồm 2 trung đoàn xe tăng, 2 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh, các tiểu đoàn trinh sát cơ giới, pháo chống tăng, pháo phòng không, công binh và thông tin.
      • Sư đoàn xe tăng 6 của tướng Franz Landgraf gồm 2 trung đoàn xe tăng, 1 lữ đoàn cơ giới, 1 trung đoàn pháo binh, các tiểu đoàn trinh sát cơ giới, pháo chống tăng, công binh và thông tin.
      • Sư đoàn cơ giới 36 "Kaiserslautern" của tướng Otto-Ernst Ottenbacher gồm 2 trung đoàn cơ giới, 1 trung đoàn xe tăng, 1 trung đoàn pháo binh cơ giới, các tiểu đoàn trinh sát, pháo chống tăng, pháo phòng không, công binh và thông tin.
    • Quân đoàn cơ giới 56 do tướng Erich von Manstein chỉ huy, trong đội hình có:
      • Sư đoàn xe tăng 8 của tướng Erich Brandenberger gồm 1 trung đoàn và 1 tiểu xe tăng, 1 trung đoàn cơ giới, 1 trung đoàn mô tô, 1 trung đoàn pháo binh, các tiểu đoàn trinh sát cơ giới, pháo chống tăng, pháo phòng không, công binh và thông tin.
      • Sư đoàn cơ giới 3 của tướng Curt Jahn gồm 2 trung đoàn và 1 tiểu đoàn cơ giới, 1 trung đoàn pháo binh cơ giới, các tiểu đoàn trinh sát, pháo chống tăng, pháo phòng không, công binh và thông tin cơ giới hóa.
    • Trực thuộc Tập đoàn quân:
      • Sư đoàn cơ giới SS "Totenkopf" của tướng SS Georg Keppler gồm 3 trung đoàn và 1 tiểu đoàn cơ giới SS, 1 trung đoàn pháo binh SS, các tiểu đoàn trinh sát cơ giới, chống tăng, phòng không, công binh và thông, tất cả đều thuộc lực lượng SS.
      • Sư đoàn bộ binh 269 của tướng Ernst von Leyser gồm 3 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh, các tiểu đoàn trinh sát, chống tăng, phòng không, thông tin, công binh.
  • Tập đoàn quân 18 do thống chế Georg von Küchler chỉ huy, sử dụng 2 quân đoàn bộ binh ở thê đội 2 tham gia chiến dịch. Thành phần bao gồm:
    • Quân đoàn bộ binh 38 do tướng Friedrich-Wilhelm von Chappuis chỉ huy, trong đội hình có:
      • Sư đoàn bộ binh 1 của tướng Friedrich Altrichter gồm 3 trung đoàn bộ binh, 2 trung đoàn pháo binh, các tiểu đoàn trinh sát, chống tăng, phòng không, công binh và thông tin.
      • Sư đoàn bộ binh 58 của tướng Karl von Graffen gồm 3 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn bộ binh dự bị, các tiểu đoàn trinh sát, chống tăng, phòng không, công binh và thông tin.
    • Quân đoàn bộ binh 1 do tướng Kuno-Hans von Both chỉ huy, trong đội hình có:
      • Sư đoàn bộ binh 11 của tướng Herbert von Böckmann gồm 3 trung đoàn và 1 tiểu đoàn bộ binh, 2 trung đoàn pháo binh, các tiểu đoàn trinh sát, chống tăng, phòng không, công binh và thông tin.
      • Sư đoàn bộ binh 21 của tướng Otto Sponheimer gồm 3 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn và 1 tiều đoàn pháo binh, các tiểu đoàn trinh sát, chống tăng, phòng không, công binh và thông tin.

Mục tiêu của quân Đức là nhanh chóng tiếp cận tuyến sông Luga khi quân đội Liên Xô chưa kịp củng cố hệ thống phòng ngự. Quân Đức vẫn sử dụng chiến thuật tấn công như hồi đầu chiến tranh, dùng các sư đoàn xe tăng và cơ giới tạo thành các mũi khoan thép vượt lên trước để phá vỡ các vị trí phòng thủ trung gian của quân đội Liên Xô. Theo sau là các sư đoàn bộ binh tiếp tục giải quyết chiến trường khi bộ binh Liên Xô đã bị chia cắt thành các ổ phòng ngự. Cũng vẫn như ba tuần đầu của cuộc chiến, không quân Đức Quốc xã vẫn chiếm ưu thế trên không phận vùng Baltic và Leningrad.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_phản_công_Soltsy http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://militera.lib.ru/db/halder/1941_07.html http://militera.lib.ru/h/1941/03.html http://militera.lib.ru/h/isaev_av5/01.html http://militera.lib.ru/h/kovalchuk_vm/01.html http://militera.lib.ru/h/nwf/03.html http://militera.lib.ru/h/ww2_german/10.html http://militera.lib.ru/memo/german/manstein/08.htm... http://militera.lib.ru/memo/russian/cherepanov_ai/... http://militera.lib.ru/research/anfilov/04.html